Tại một số trường tiểu học và trung học, để thuận tiện cho việc đi lại giữa các tầng lầu, nhà trường quyết định lắp đặt thang may dùng chung cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, học sinh vốn là một đối tượng hiếu động và khó kiểm soát. Vì vậy, từ câu chuyện xoay quanh thang máy trong trường học đã nảy sinh ra nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử học đường và giữ gìn của công.
Bon chen tấm vé vào thang máy
Nơi tôi đang theo học cũng là một trường có gắn thang máy. Tấm bảng nội quy ở gần thang máy có nêu rõ: “Học sinh khi sử dụng thang máy cần phải xếp hàng. Khi thang máy mở, phải chờ những người ở trong thang máy bước ra trước rồi mới tiến vào. Nếu có giáo viên thì phải nhường cho giáo viên vào trước, học sinh theo hàng đã xếp bước sau.
Không chen lấn hay ẩu đả.” Thế nhưng chẳng mấy khi mà học sinh trường tôi tiến hành đúng theo quy định. Hầu hết các bạn đều cố tình chen lấn, có xếp hàng cũng xếp rời rạc, không thành hình dạng, và khi thang máy mở thì lại xô đẩy. Nhiều học sinh có vẻ lém lỉnh, chạy lên trên một tầng, ấn nút mở thang máy để vào trước, khi thang máy xuống tầng trệt thì đã có mặt sẵn bên trong rồi. Nhiều người thiếu ý thức khác, do không giành được vị trí trong thang máy nên chạy dọc theo thang bộ, bấm các nút mở thang máy từ tầng hai đến tầng cao nhất để chọc tức những người kia. Việc giành giật vị trí trong thang máy như vậy, nếu do sợ trễ giờ học thì còn tạm chấp nhận được, còn tranh giành cho… vui thì đúng là hết chỗ nói.
Chúc cô may mắn lần sau!
Không chỉ riêng ở trường tôi mà rất nhiều trường học có thang máy khác cũng gặp phải tình trạng giành giật, bon chen thiếu văn hóa này. Nhưng quá đáng hơn là việc giành chỗ thang máy với cả thầy cô. Cô Sở Như, trưởng bộ môn Hóa tại trường Phổ thông Năng khiếu (thành phố Hồ Chí Minh) đã từng than phiền rằng: “khi cô đang đợi ở thang máy thì một toán học sinh đến, ban đầu thì lễ phép chào cô, khi thấy thang máy mở liền vội vàng chạy vào, để lại cô bên ngoài tiếp tục chờ đợi. Trong số đó có những học sinh còn cười, đưa tay ra “bye bye”, thậm chí nói “chúc cô may mắn lần sau”. Đành rằng những sự việc này không ảnh hưởng lớn đến thầy cô nhưng lại đủ để báo động về văn hóa cư xử học đường.
Những trò đùa quái gở
Bên cạnh những hành vi về văn hóa ứng xử khi dùng thang máy, học sinh còn có những trò đùa rất đáng lên tiếng. Có lần đám bạn tôi vào thang máy. Khi cửa thang vừa đóng lại, cả bọn cùng hô to “1…2…3!” rồi giậm huỳnh huỵch xuống sàn thang máy. Tôi cũng ở trong đó, cảm giác hết sức hãi hùng vì trò đùa nguy hiểm mang tính tự phát này. Một lần khác, khi thầy cô và học sinh đang chờ ở tầng trệt thì thang máy cứ mãi lơ lửng ở tầng 5, không biết vì lí do gì. Khi thầy hiệu trưởng lên tầng 5 thì mới biết: một học sinh nào đó đã… chèn ki hốt rác vào giữa hai cửa, khiến thang máy mở ra không được mà đóng vào cũng không xong. Việc này làm mất thời gian của rất nhiều người, và có thể dẫn đến thang máy bị hỏng. Rõ ràng các trò đùa này đã vượt quá giới hạn, dễ dẫn đến thiệt hại về thang máy và ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Thiết nghĩ câu chuyện về sử dụng thang máy ở học đường, nếu so với các vấn đề khác thì chỉ là một việc nhỏ. Nhưng chính từ những việc nhỏ mới là nguồn gốc phát sinh ra các việc có ảnh hưởng lớn. Nếu ngay cả việc chấp hành nội quy và giữ gìn thang máy mà cũng không được thực hiện nghiêm túc thì khi ra đời, học sinh sẽ dễ vướng vào những sai phạm nghiêm trọng khác, thậm chí trở thành người thiếu văn hóa. Nhà trường, gia đình cần có những biện pháp để giáo dục ý thức cho học sinh từ việc ứng xử và giữ gìn của công để tránh những trường hợp đáng tiếc sau này.